Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

10 nguyên tắc vàng của một thiết kế đơn giản

Hoalanstudies - Thiết kế đơn giản ẩn chứa nhiều điều hơn bạn tưởng. Thoạt nhìn vào iPhone với vẻ ngoài đơn giản và nhã nhặn, ít ai nghĩ người ta đã bỏ một khối lượng chất xám khổng lồ vào công đoạn sáng tạo. Thực ra điều đó không quan trọng, người dùng chỉ cần biết rằng iPhone luôn phục vụ những nhu cầu thiết yếu của họ. Và đây là nguyên tắc ẩn dưới phong cách thiết kế của Apple. Đơn giản ở đây không giống việc vụng về phô bày mọi thứ mà là tập trung, đảm bảo người dùng có thể hiểu được sản phẩm một cách dễ dàng và hạn chế tối đa những chi tiết gây xao lãng.



Đơn giản là hình thái cuối cùng của sự tinh tế.
Sau đây là mười quy tắc vàng cho một thiết kế đơn giản dựa trên 10 quy tắc thiết kế của chuyên gia thiết kế sản phẩm Dieter Rams. Tôi đã thay đổi một chút để phù hợp với tiêu chí chung của bài viết.

Ít chi tiết hơn nhưng chất” hơn

Đây là điều đầu tiên Dieter Rams nhắc đến: Thiết kế đơn giản không phải là miễn cưỡng cắt giảm chi tiết trong bản vẽ mà mục đích là nâng cao hiệu quả chung của thiết kế. Mục tiêu của Rams là vứt bỏ những thứ thừa thãi để đưa thiết kế về trạng thái thuần khiết ban đầu. Tuy nhiên, rất nhiều nhà thiết kế đã hiểu sai vấn đề, họ lược bỏ mọi thứ, thậm chí cả những chi tiết cần cho bản thiết kế. Lúc này mục đích của bạn là khiến những chi tiết cần thiết nhưng vô tình làm rối bản thiết kế phát huy tính hiệu quả của nó.




Ít chi tiết hơn nhưng chất” hơn

Trung lập

Trung lập không phải là thiếu cá tính trong thiết kế. Nếu mục tiêu của bạn là sự tiện dụng thì bạn nên giúp người đọc dễ dàng tiếp cận được nội dung của website. Nhớ rằng mục tiêu đầu tiên của thiết kế web và đồ họa là thể hiện nội dung rõ ràng, giúp người đọc không phải đau đầu suy nghĩ.

Trung thực

Thiết kế của bạn cần truyền tải mục đích của nội dung một cách rõ ràng và trung thực nhất. Nếu người xem hiểu sai thông điệp thì có nghĩa là thiết kế của bạn chưa đủ trung thực.
Bạn không phải sử dụng mưu mẹo nào ở đây mà chỉ cần chú ý các chi tiết thiết kế trong website, tờ rơi, brochure hay poster, từ đối tượng hình ảnh cho đến màu sắc cần liên quan tới sản phẩm hay thông điệp truyền tải trong thiết kế.




 Hạnh phúc nằm trong những điều đơn giản nhất

Hướng tới sự bền vững

Thực ra rất khó nói cái gì là bền vững, cái gì sẽ lỗi thời trong thời điểm này. Tuy nhiên có những quy tắc mà bạn có thể làm theo để đảm bảo thiết kế của mình tránh được những xu hướng và mốt nhất thời hay không bền vững theo thời gian. Đầu tiên, nếu bạn cảm thấy cái gì đang là xu hướng thì hãy tin vào trực giác của mình. Phương án lúc này là đọc thật nhiều. Tôi không nói về những blog hay website về thiết kế mặc dù đây là những nguồn tư liệu tốt nhất giúp bạn bắt kịp tốc độ cùng đồng nghiệp của mình. Nhưng những nguyên tắc cơ bản quan trọng của thiết kế thường được in ra sách và bạn nên giữ chúng trong tủ sách của mình để tham khảo thường xuyên. Bạn càng thấm nhuần những nguyên tắc này thì thiết kế của bạn càng trở nên cổ điển và bền vững.
Đừng vội nghĩ cổ điển là nhàm chán. Đúng là có một số cách tiếp cận khác hiệu quả hơn khi bạn sáng tạo những mẫu thiết kế phù hợp với đối tượng khách hàng trong hiện tại và tương lai. Nhưng nhớ rằng những tác phẩm cổ điển vẫn đang được những nhà thiết kế chuyên nghiệp sáng tạo hàng ngày. Một thiết kế “đương đại” hôm nay sẽ được xếp cạnh những tác phẩm cổ điển trong các thư viện thiết kế trên thế giới trong một hoặc hai thập kỷ nữa.

Ít thiết kế hơn

Nếu bạn dùng từ “thiết kế” sai ngữ cảnh, một vài người sẽ vẽ ra trong đầu những thứ kiểu cách và hoành tráng. Đó không phải điều bạn muốn. Công việc của người thiết kế là mở đường cho nội dung. Thiết kế có thể là một tác phẩm nghệ thuật đẹp với những chi tiết mơ hồ. Tuy nhiên, nó vẫn phải ưu tiên nội dung.
Một cách hữu hiệu là so sánh thiết kế với việc “lắp ráp” và “trang trí”. Sushi là ví dụ điển hình cho loại thiết kế lắp ráp. Sushi bao gồm nhiều thành phần trong đó đóng những nhiệm vụ quan trọng riêng – cá, gạo, mù tạt, nước sốt Nhật và rong biển giống như nội dung trong một thiết kế, phải được sắp xếp vừa vặn thành một miếng. Một đầu bếp sushi lành nghề có thể sắp xếp các thành phần theo nhiều cách khác nhau cũng giống như việc nhà thiết kế có nhiều cách sắp xếp các mảng nội dung của mình trên bản vẽ.
Mặt khác, thiết kế trang trí giống như rắc gia vị lên miếng bánh. Lại nói về sushi, nó được ví như cái bát hay cái lá nhỏ dùng để đựng mù tạt. Có thêm gia vị này rất tốt nhưng không thực sự cần thiết – trừ phi bạn bị nghiện mù tạt.

Tỉ mỉ

Nếu vận vào lý do thiết kế đơn giản mà xao lãng chi tiết thì không đúng. Nên nhớ rằng kết quả cuối cùng sẽ càng dễ làm nổi bật những các lỗi trong một thiết kế đơn giản. Sự thật phũ phàng là khi hầu hết thiết kế của bạn là những khoảng trắng thì sẽ ít nơi có thể che giấu được một bố cục lệch hay Typo không hợp lý.

Vừa phải

Theo Rams, các nhà thiết kế nên sử dụng nguồn tài nguyên một cách vừa phải nhằm bảo vệ môi trường. Ta thấy gần đây thiết kế xanh đang trở nên rất phổ biến, tuy nhiên trong bài viết này, nguồn tài nguyên còn bao gồm các nguồn tài nguyên cá nhân như thời gian, sức lực và … dung lượng ổ cứng máy tính.
Khi hướng tới thiết kế đơn giản, phần lớn tài nguyên hay sức lực của bạn nên được sử dụng vào công đoạn đầu tiên. Hãy liên hệ tới việc làm bánh, khi mới chuẩn bị nguyên liệu trong bếp, mọi thứ trông nó rất bừa bộn và rối mắt, nhưng sau khi bạn kết hợp các nguyên liệu và cho tất cả số bột vừa nhào vào khay bánh, lúc đó bạn mới thấy sức lực mình bỏ ra trước đó rất đáng giá. Đương nhiên không ai có thể nhìn thấy tất cả những việc trong công đoạn chuẩn bị ở một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng nó vẫn luôn ở đó.
Thiết kế cũng tương tự. Khi bạn lên kế hoạch, phác thảo và nghiên cứu, cũng giống như làm bánh trong bếp. Một thiết kế đơn giản mà tinh tế không hé lộ nhiều về tất cả những công đoạn nặng nhọc trước đó.

Bạn chỉ hoàn thiện tác phẩm thiết kế của mình khi thấy không còn chi tiết nào có thể lược bỏ đi chứ không phải là không còn gì để thêm vào.

Thong thả

Để tập trung toàn tâm toàn ý vào các chi tiết trong thiết kế, bạn cần thong thả để hiểu nó rõ hơn. Đây có vẻ là điều đương nhiên nhưng tôi luôn bất ngờ trước ý kiến của rất nhiều nhà thiết kế cho rằng những bản thiết kế đơn giản thường dễ dàng hơn hoặc mất ít thời gian hơn bình thường.
Thiết kế đơn giản giống như ảo ảnh. Kết quả cuối cùng trông có vẻ tốn ít công sức, nhưng đây mới là điểm cốt lõi của vấn đề. Giống như múa ba-lê, mục đích của vũ công ba-lê là đánh lừa thị giác của khán giả khiến họ thấy bài múa thật nhẹ nhàng không mất sức. Đây là thành công của những nghệ sĩ múa Ba-lê. Nhưng đừng nghĩ rằng múa Ba-lê tốn ít thời gian và công sức mà ngược lại, họ đã phải khổ luyện rất nhiều năm để đạt tới kết quả này.

Dễ hiểu

Một thiết kế tốt không cần giải thích nhiều. Dù có thể chưa từng nghĩ về nó nhưng chắc chắn bạn biết điều này. Hãy nghĩ về tất cả những thứ bạn thường sử dụng, cái tốt nhất giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn sử dụng. Thiết kế của bạn cũng nên dễ hiểu như vậy. Chú ý là tôi không nói chúng “sẽ” dễ hiểu mà chúng “có thể” được thiết kế dễ hiểu.
Để đạt đến sự đơn giản, bạn cần tốn nhiều thời gian, nhưng một cách để tiếp cận nó là ghi ra chính xác những điều bạn muốn có trong một thiết kế đơn giản. Đó là sự dễ dàng sử dụng? Dễ tiếp cận? Lược bỏ những chi tiết rắc rối?

Tính thẩm mỹ

Dieter Rams nói rằng một thiết kế chuẩn phải đẹp và hữu dụng, ông nói:
Chất lượng nghệ thuật của sản phẩm luôn gắn liền với tính hữu dụng của nó bởi vì sản phẩm được sử dụng hàng ngày và có ảnh hưởng tới tâm lý người dùng cũng như thể trạng của họ“.
Có nghĩa là bạn càng nhìn ngắm nó nhiều thì nó càng có ảnh hưởng lên các giác quan của bạn.
Nếu hàng ngày bạn phải đối mặt với một thiết kế xấu, bạn sẽ bị hấp thụ phần nào và điều này ảnh hưởng tới cách bạn tiếp xúc với thế giới theo phương diện nào đó. Có thể bạn sẽ trở nên dễ dàng cáu bẳn với nhân viên pha chế ở quán cafe vào buổi sáng, hoặc bạn sẽ cau mày nhiều hơn và vặn tay ga mạnh hơn mỗi khi bị tắc đường.

Nghệ thuật là cảm nhận. Thiết kế là quan điểm.
Là một người thiết kế, sự thiếu thẩm mỹ sẽ ảnh hưởng tới bạn nhiều hơn. Khi phải liên tục tiếp xúc với những thiết kế xấu, thị hiếu của bạn – hay cái mà Rams gọi là “thẩm mỹ” – sẽ phản ảnh điều đó, nó sẽ thay đổi nhận thức của bạn về chuẩn mực của một thiết kế đẹp. Tệ hơn, sau sự công kích dữ dội của những thiết kế kinh khủng thì chính thiết kế của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng, và bạn sẽ sớm nhận ra mình đang góp phần phát triển cái xấu thay vì chiến đấu chống lại nó.
Đừng làm điều này với những nhà thiết kế khác. Hãy luôn cẩn thận với tính thẩm mỹ của bạn và truyền cảm hứng cho những người khác để họ có thể phát huy tới mức tốt nhất.
Đơn giản là một phong cách sống. Bạn phải suy nghĩ kỹ về chi tiết bạn định loại bỏ khỏi bản thiết kế và bạn phải làm nó như thế nào. Điều này không hề dễ, nhưng càng tiếp tục cố gắng, bạn sẽ càng phát hiện ra cái gì hiệu quả, cái gì không.

Suy nghĩ của bạn?

Theo bạn thì điều gì là cần thiết cho một thiết kế đơn giản và tinh tế? Bạn sẽ sử dụng những phương thức và cách tiếp cận nào để truyền tải thông điệp tới người xem và chắc rằng họ sẽ nắm rõ thông điệp đó?
(theo Speckyboy Design Magazine)



Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

13 xu hướng thiết kế của năm 2013


Khi một năm gần qua đi, người ta thường đưa ra những thống kê để tổng kết một năm và khi năm mới đến, còn gì tốt hơn việc đưa ra một vài dự đoán cũng như xu hướng sẽ thịnh hành trong 12 tháng tiếp theo. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra dự đoán về 13 xu hướng thiết kế sẽ lên ngôi trong năm 2013, nó có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn tới những sản phẩm phần cứng và phần mềm mà chúng ta sử dụng hàng ngày. The Industry đưa ra dự đoán về những xu hướng thiết kế cho năm nay, trong đó bao gồm các xu hướng như thiết kế phẳng, ít nút bấm, vector, dùng nhiều hiệu ứng, font chữ to hơn... Xin mời xem chi tiết bên dưới.

1. Thiết kế phẳng



Thiết kế phẳng được coi là sự lựa chọn rõ ràng cho các xu hướng thiết kế trong tương lai. Trên thực tế, thiết kế phẳng hoàn toàn trái ngược với trường phái hiện thực mà nhiều người gặp phải với chủ nghĩa mô phỏng thực tế skeumorphism (mô phỏng thiết kế của một sự vật trong thực tế). Dù không phải là hãng đầu tiên ứng dụng thiết kế phẳng nhưng có thể coi họ là hãng đã đưa trường phái này lên tầm cao mới. Đó là Microsoft.

Windows 8 là hệ điều hành mới hoàn toàn về giao diện cũng như tính năng, nó được xây dựng dựa trên ý tưởng về giao diện người dùng phẳng, nổi bật nhất là ở hệ thống UI và Live Tiles. Kiểu giao diện này đã xuất hiện trước đó trên Xbox Dashboard nhưng trên Windows 8, kiểu thiết kế phẳng xuất hiện nhiều hơn.


Ngoài Windows 8, một ứng dụng hẹn giờ mới phát hành cho người dùng iOS là Rise cũng có kiểu giao diện này. Toàn bộ giao diện của Rise đều là phẳng và thiếu những thành phần ba chiều. Với một ứng dụng hẹn giờ đơn giản, sự xuất hiện của các thành phần ba chiều sẽ làm cho giao diện có thể rối hơn trong khi giao diện kiểu phẳng cho thấy nó rất đơn giản để sử dụng và rất đẹp để ngắm. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận một điều: thiết kế phẳng không phù hợp cho mọi ứng dụng.



2. Ít nút bấm hơn (dùng cử chỉ nhiều hơn)



Không phải ngẫu nhiêu mà The Industry lại xếp xu hướng thiết kế ít nút bấm ngay sau thiết kế phẳng, tất cả đều có nguyên nhân. Khi bạn tạo nên một ứng dụng mà sử dụng ít nút chức năng, điều đó cũng có nghĩa rằng ứng dụng đó sử dụng nhiều hơn các cử chỉ của ngón tay trên màn hình cảm ứng để thao tác với các chức năng của nó. Một ví dụ về sự kết hợp hoàn hảo của xu hướng thứ 1 và thứ 2 này chính là ứng dụng bản đồ Google Maps dành cho nền tảng di động. Ngoài Google Maps, một ứng dụng khác trên iOS cũng vận dụng xu hướng thiết kế ít nút bấm và dùng nhiều cử chỉ hơn đó là Clear (ứng dụng quản lý công việc cần làm). Bạn chẳng thấy bất kỳ nút bấm nào trong ứng dụng này, tất cả đều được thực hiện thông qua các thao tác của ngón tay như vuốt, kéo, nhấn, chạm hai ngón tay...

3. Sử dụng hiệu ứng để gợi ý


Có thể hiểu nôm na rằng khi bạn không thể sử dụng nút hay các biểu tượng cho một ứng dụng hay một tính năng của ứng dụng đó, hãy sử dụng các hiệu ứng (animation) để gợi ý cho người dùng về cách sử dụng. Một ví dụ điển hình nhất cho xu hướng thiết kế này đó là nút chụp ảnh nhanh trên iOS ngoài màn hình khoá (lockscreen). Chức năng của nút bấm này đó là cho phép người dùng truy cập nhanh vào trình chụp ảnh, cách hữu hiệu nhất để gợi ý cho người dùng về cách kích hoạt nó là sử dụng hiệu ứng. Apple đã khéo léo sử dụng hiệu ứng để khi người dùng bấm vào nút đó, màn hình khoá sẽ nhẹ nhàng nảy lên trên và rơi xuống, họ muốn gợi ý cho người dùng hãy kéo nút đó lên trên để sử dụng. Thật đơn giản và hữu ích.

4. Thanh menu kiểu Hamburger

Nút menu dạng Hamburger trong ứng dụng Clear cho OS X

Hiện nay, một vài ứng dụng đã sử dụng kiểu nút chọn menu dạng Hamburger (ba đường kẻ song song) nhưng trong tương lai, kiểu nút chọn menu này sẽ còn phổ biến hơn nữa. Đó là cách đơn giản để cho người dùng biết rằng còn rất nhiều lựa chọn khác khi bấm vào nút đó, không gì có thể diễn tả tốt hơn bằng một nút bấm có ba đường kẻ song song như vậy. Thậm chí với tạp chi The Magazine (đọc trong Newsstand), khi bạn bấm và giữ nút chọn menu đó, hình chiếc bánh Hamburger nhỏ sẽ xuất hiện.

5. Ứng dụng native

Trước khi đi vào xu hướng thiết kế thứ 5 này mình muốn nói một chút về cụm từ 'native'. Thật khó để dịch nó sang tiếng Việt nhưng để mô tả thì một ứng dụng được coi là ứng dụng native khi nó được viết theo các ngôn ngữ lập trình của nền tảng đó (Java cho Android, Objective-C cho iOS...). Ưu điểm của những ứng dụng native đó là được phép truy cập vào hệ thống, các tính năng phần cứng như camera, microphone, gia tốc kế..., có thể bán trên cửa hàng ứng dụng trong khi nhược điểm là bị gói gọn trong một nền tảng nhất định.

Ứng dụng native có những nhược điểm và ưu điểm riêng song các ứng dụng native hiện nay đang ngày một nhiều và các nhà phát triển sẽ viết chúng cho một nền tảng nhất định.

6. RWD nếu không phải native

Bố cục trang web thay đổi theo kích thước cửa sổ

Xu hướng thiết kế #6 này hoàn toàn khác xu hướng #5 trước đó là ứng dụng native. Tuy nhiên khi bạn không thể viết một ứng dụng native thì cách tốt nhất là hãy áp dụng cách thiết kế khác, mà ở đây là Responsive Web Design (RWD). Ví dụ điển hình nhất cho xu hướng thiết kế này đó là Quartz (qz.com). Quartz là một trang web đọc tin được thiết kế với nhận thức rằng nó sẽ làm việc trên mọi thiết bị và mọi nền tảng. Người dùng có thể truy cập Quartz và mở nó trên iPhone, iPad, Mac, máy tính bảng Surface và nó hoạt động hoàn toàn giống nhau, không phân biệt kích cỡ và độ phân giải màn hình.


Kiểu thiết kế này đang trở nên rất hữu dụng cho những trang web hiển thị nội dung. Viết ứng dụng cho từng nền tảng không những tốn thời gian và tiền bạc mà khả năng hữu dụng của nó là chưa được đảm bảo. Đây được coi là con đường thay thế tốt nhất cho phép nội dung hiển thị đồng bộ trên mọi nền tảng.

RWD hay Responsive Web Design là phương thức thiết kế web cho phép các trang web (đặc biệt những trang web hiển thị nhiều nội dung) có thể tự điều chỉnh bố cục bên trong để phù hợp với kích thước màn hình. Một trang web có chiều rộng cố định đã không còn thịnh hành và RWD được coil à xu thế thiết kế trong năm 2013

7. Trang web hiển thị rộng hơn


Hầu hết những trang web hiện nay đều khá hẹp, trong nhiều trường hợp nó tỏ ra hiệu quả nhưng khi bạn suy nghĩ đến việc áp dụng RWD (xem bên trên), một trang web có chiều ngang 700 điểm ảnh sẽ để lộ ra khá nhiều khoảng trắng hai bên khi xem nó trên một thiết bị Retina hay chiếc iMac màn hình 27".

Bằng cách tăng kích cỡ chiều ngang cho trang web, nó cho phép những thành phần đồ họa hiển thị nổi bật như văn bản. Một hình ảnh đáng giá cả ngàn chữ vì thế một tấm hình đẹp khi ta xem trên trang web có chiều ngang chỉ khoảng 700 điểm ảnh sẽ khá là rắc rối.

8. Font chữ to hơn



Ngày nay, font chữ tiêu chuẩn hiển thị trên các trang web là từ 12 tới 14px nhưng trong tương lai, các nhà phát triển web có xu thế chọn lựa font chữ với kích thước to hơn ở mức 16 tới 18px cho đoạn chính. Cùng với RWD, cách trình bày văn bản trong trang web đóng vai trò rất quan trọng, quyết định khả năng hiển thị của nội dung trình bày. Khi font chữ kích cỡ 18px hiển thị trên màn hình iPhone, chắc chắn bạn sẽ dễ đọc hơn là font chữ 12px. Tuy nhiên, điểm trừ của font chữ lớn đó là với những bài dài, sẽ rất khó chịu khi đọc trên các thiết bị màn hình lớn và độ phân giải thấp.

9. Khung tìm kiếm lớn


Tìm kiếm dần trở thành một thành tố quan trọng và quan trọng hơn đối với thiết kế. Từ trải nghiệm mạng xã hội cho tới ngành xuất bản, chức năng tìm kiếm là cái cần phải có để phân biệt những gì chúng ta muốn/cần với những gì chúng ta không muốn. Ví dụ điển hình là The Noun Project và Myspace, cả hai đều tận dụng những khung tìm kiếm kích thước khá lớn.

10. GIF như là thành phần thiết kế

Đây là xu hướng thiết kế mà những người viết bài khác tại The Industry cũng như nhũng phản hồi trên Twitter đều muốn cho vào trong bài viết này. GIF đang chứng tỏ một vai trò quan trọng trong thiết kế. Nếu như PNG là tiêu chuẩn hiện tại thì GIF sẽ cho phép thêm sự thay đổi hoặc chuyển động vào một thành phần nào đó mà không cần phải code nhiều.

11. Thiết kế cho con người

Marco Arment đã làm rất tốt điều này với The Magazine. Trong khi nội dung của những tạp chí này hướng tới những người đam mê công nghệ nhưng Marco Arment cho biết những người thiếu hiểu biết về công nghệ vẫn có thể đọc và hiểu những nội dung của từng tạp chí. Ông không bắt đầu với ý tưởng về một The Magazine đẹp, ông thiết kế nó để trở thành tạp chí chứa giá trị, tiềm năng, sự kết nối và trên tầm cao hơn là triết lý.

Cũng giống như các chi tiết thuộc chuyên môn, nó là một trải nghiệm với thiết kế sẽ có tác động tới con người. Chúng ta không làm ra những sản phẩm chỉ cho cộng động thiết kế, chúng ta thiết kế với mục đích cải thiện chất lượng của thế giới. Nếu bạn có thể thay đổi cách con người tương tác với các thiết bị hàng ngày, bạn sẽ bắt đầu có tầm ảnh hưởng tới năng suất lao động tổng thể của họ.

12. Những màu sắc mới

Tumblr hay Facebook đều lấy màu xanh làm chủ đạo

Nếu có một vấn đề làm cản trở quá trình phát triển của cộng đồng thiết kế, căn nguyên nằm ở màu sắc. Có tới 60% các ứng dụng trên màn hình chính của tôi [người viết bài gốc] được thể hiện với một màu sắc: màu xanh dương (#00A0D1). Không chỉ với các biểu tượng, những trang web nổi tiếng cũng sử dụng màu xanh dương rất nhiều như Tumblr hay Pandora, Facebook... Xu hướng này khuyến khích các nhà phát triển ứng dụng và web hãy từ bỏ sử dụng màu xanh và chuyển qua một màu sắc mới. Không phải tất cả màu sắc đều thích hợp và thể hiện tốt như màu xanh dương nhưng không mất gì để thử chúng cả.

13. Vector

Với những công cụ hoàn hảo trong tay, công việc của các nhà thiết kế trở nên dễ dàng hơn với vector. Nghĩ ra một ý tưởng thiết kế và phát triển nó cho từng kích cỡ, độ phân giải màn hình chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Vector rất có thể sẽ là một trong những xu hướng thiết kế của năm 2013 này.

Nguồn: The Industry