Marketing Design
... NHỮNG KỶ NIỆM CỦA THỜI KỲ BAO CẤP CÓ LẼ NHIỀU NGƯỜI VẪN CHƯA QUÊN CẢNH XẾP HÀNG ĐONG GẠO BẰNG SỔ; MUA THỊT, MUA DẦU BẰNG TEM PHIẾU… CÒN NẾU CẦN MUA NƯỚC MẮM THÌ PHẢI MANG THEO MỘT CÁI CHAI ĐỂ NGƯỜI TA RÓT VÀO CHO MÌNH...
Thời kỳ đó, chẳng mấy ai quan tâm đến hình thức bên ngoài, bao bì của sản phẩm cả. Hẳn
rằng khi sống ở thời kỳ đó, ít ai nghĩ được là đến ngày hôm nay, có rất nhiều nhãn hiệu nước mắm trên thị trường cạnh tranh với nhau và để bán được sản phẩm thì các loại nước
mắm đó phải được đựng trong những cái chai được thiết kế, tạo dáng theo phong cách riêng. Còn nhãn hiệu được dán lên đó để nhận diện thương hiệu cũng là chuyện đương nhiên không thể thiếu. Đó là ví dụ cụ thể để minh hoạ cho triết lý “Marketing” thì phải “Design” và nói rộng ra thì nhu cầu về thiết kế chỉ nổi lên trong một nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh. Với một nền kinh tế bao cấp, sản phẩm được đưa ra thị trường theo chế độ cấp phát nên về cơ bản sẽ không cần đến yếu tố thẩm mỹ, hình thức mà vẫn đến được tay người sử dụng, thậm chí còn phải chen lấn, xếp hàng để nhận mà chưa chắc đã còn. Tuy nhiên, khi không còn cơ chế bao cấp đó nữa thì sản phẩm đưa ra thị trường muốn bán được sẽ phải tiếp thị, quảng cáo, xây dựng kênh phân phối… Bên cạnh các yếu tố đó thì hình thức của sản phẩm cũng hết sức quan trọng, không thể xem thường. Và thế là, “Design” đã hình thành do nhu cầu của “Marketing”. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Design tại Việt Nam? Để tạo ra một bầu không khí thực sự hiểu nhau hơn thì có lẽ bên cạnh các kiến thức chuyên môn, các hoạ sĩ mỹ thuật công nghiệp cần được đào tạo thêm về Marketing, thương mại. Còn với các cử nhân kinh tế, thương mại thì cũng phải được học thêm kiến thức về Design chăng? Có lẽ đó cũng mới chỉ là những kiến thức mang tính “đặt vấn đề” mà thôi. Giống như vẽ người thì phải học giải phẫu, tạo dáng sản phẩm công nghiệp đương nhiên phải hiểu biết về công nghệ chế tạo, nguyên lý về chi tiết máy, về công nghệ vật liệu… Đây hẳn là một vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc từ nhiều phía. Dư luận chắc chắn trông chờ vào câu trả lời của các nhà hoạch định chiến lược phát triển về sản xuất công nghiệp và những người có trách nhiệm trong nền giáo dục nước nhà.
Đức Hoàng (Blackdee.net)